Khi Land Rover nghiên cứu và phát triển mẫu Range Rover đầu tiên vào cuối những năm 60, dự án này được đặt tên là Velar nhằm bảo mật thông tin. Dựa trên từ gốc “velare” trong tiếng Italy, Velar mang ý nghĩa che đậy, ẩn giấu. Nửa thập kỷ sau đó, Range Rover Velar ra mắt toàn cầu và trái ngược với tên gọi, chiếc xe nhanh chóng thu hút mọi ánh nhìn bằng vẻ đẹp của mình.
Ý tưởng về chiếc SUV nằm giữa Range Rover Evoque và Range Rover Sport đã được đội ngũ Land Rover nhen nhóm từ năm 2011, thời điểm chiếc Evoque trình làng. Nói vậy để thấy rằng Velar không phải sản phẩm ra đời đơn thuần dựa trên những phản hồi của khách hàng. Chiếc xe là thành quả của cả một quá trình chuẩn bị, nghiên cứu và phát triển kéo dài nhiều năm.
Tại thời điểm ra mắt, Range Rover Velar “hot” tới mức toàn bộ lượng xe mà Land Rover có thể sản xuất trong vòng 3 tháng đã nhanh chóng được bán hết, dù chưa khách hàng nào có cơ hội trực tiếp trải nghiệm chiếc xe. Chính những điều nói trên đã tạo cho tôi cảm giác phấn khích không nhỏ khi được tự mình cầm lái Range Rover Velar phiên bản R-Dynamic SE 2.0P.
Land Rover gọi Velar là “the avant-garde Range Rover” – chiếc Range Rover tiên phong. Thật vậy, Velar đã mở ra một thời kỳ mới của dòng SUV này, với thiết kế đóng vai trò định hình cho những mẫu xe Range Rover khác. Ví dụ điển hình nhất là Evoque thế hệ thứ hai, chiếc SUV được ví von như phiên bản thu nhỏ của Velar.
Với Range Rover Evoque và Sport, cá nhân tôi vẫn cảm thấy còn đôi chút “gợn” nhẹ khi nhìn vào thiết kế của hai chiếc xe này. Phần vì thấy Evoque có chút nhỏ con, thiếu bề thế, phần vì thấy Sport hơi quá khổ và vuông vức. Thế nhưng, khi tận mắt ngắm nhìn Velar, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục.
Velar mang trên mình nhiều đường nét bo tròn ở 4 góc, giúp xe ra dáng một chiếc SUV đô thị và thời trang hơn. Tuy nhiên, Velar vẫn giữ lại được cái chất nam tính, mạnh mẽ đặc trưng của dòng Range Rover. Dù nhìn ở vị trí trực diện, góc ngang hay từ phía đuôi, chúng ta đều dễ dàng nhận ra đây là một chiếc Range Rover đích thực.
Điều đó đến từ khuôn hình tổng thể toát lên vẻ năng động với khoảng cách từ trục bánh trước đến mũi xe rất ngắn và khoảng cách từ trục bánh sau đến đuôi xe dài. Phần nóc xe bay với các trụ sơn đen, vuốt thoải về cốp như một mẫu SUV coupe. Ngoài ra, các điểm nhận diện như họa tiết trên cụm đèn LED trước/sau hay lưới tản nhiệt hình thang ngược vẫn hiện hữu ở chiếc Velar.
Một trong những ví dụ nổi bật cho vai trò tiên phong trong thiết kế của Velar là tay nắm cửa. Velar là chiếc xe Land Rover đầu tiên có tay nắm cửa thụt/thò, trước khi chúng xuất hiện trên Evoque 2020. Bộ phận này có thể hoạt động tốt ở nhiệt độ môi trường từ -2 đến 50 độ C và phá được lớp băng phủ dày 4 mm để nhô ra khi mở khóa. Không chỉ tăng tính thẩm mỹ, kiểu tay nắm ẩn còn góp phần giúp Velar cách âm tốt hơn và đạt hệ số cản gió chỉ 0,32 Cd – tốt nhất dòng xe Range Rover.
Tựu trung, thiết kế Velar là sự tổng hòa giữa các chi tiết mang DNA của dòng xe Range Rover, song hành cùng những điểm đổi mới, tinh chỉnh để chiếc xe trở nên bắt mắt, thời trang và vận hành hiệu quả hơn. Với tôi, Velar là chiếc xe đẹp nhất mà Land Rover từng sản xuất.
Điểm ấn tượng nhất khi bước vào khoang cabin của Range Rover Velar là cặp màn hình cảm ứng cỡ lớn phủ trọn bảng điều khiển trung tâm. Màn hình phía trên đảm nhiệm vai trò giải trí và điều khiển các chức năng khác như camera 360 độ. Trong khi đó, màn hình phía dưới dùng để chỉnh điều hòa và chọn chế độ lái.
Dù vẫn giữ lại 3 núm xoay nhưng sự bất tiện khi chỉnh các chức năng trong lúc lái, điểm yếu cố hữu của những xe không có nút bấm vật lý, vẫn xuất hiện trên Velar. Đặc biệt là với màn hình phía dưới đặt nằm gần theo phương ngang và người lái sẽ phải liếc nhìn xuống để thao tác. Bù lại, các tính năng chính như điều hòa hay thông gió ghế ngồi vẫn có thể điều chỉnh bằng cách ấn/xoay núm vật lý, tuy nhiên người dùng cần có thời gian làm quen.
Một điểm tôi thấy chưa ưng ý khác ở cặp màn hình này là độ mượt khi sử dụng. Chúng đều rất sắc nét, tuy nhiên trong khi màn hình phía dưới cho phản hồi nhanh, ít giật, khựng thì màn hình giải trí lại không được như vậy. Các thao tác vuốt, chạm có độ trễ đáng kể và hiệu ứng chuyển cảnh kém mượt mà.
Thêm vào đó, màn hình của Velar cũng dễ bị bám dấu vân tay, làm giảm thẩm mỹ sau thời gian ngắn sử dụng. Có lẽ vì vậy mà một số hãng xe sang như Lexus vẫn giữ kiểu điều khiển bằng bàn rê, dù bất tiện và kém trực quan hơn.
Vô-lăng của Velar được trang bị hai cụm nút bấm vật lý kết hợp bàn rê cảm ứng nhỏ, bố trí gọn gàng, cân đối. Độ nhạy của hai bàn rê mini này thậm chí còn tốt hơn màn hình giải trí chính. Vô-lăng chiếc Velar tôi cầm lái được bọc da lộn, cho cảm giác cầm nắm và đánh lái bám tay. Dù vậy, với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, khả năng lớp da này nhanh bị bám bẩn và xuống cấp hoàn toàn có thể xảy ra.
Với chiều dài và chiều dài cơ sở tốt hơn Evoque 2020 lần lượt là 426 mm và 193 mm, Velar đã khắc phục được điểm hạn chế cố hữu về không gian hàng ghế thứ hai của mẫu xe đàn em. Khoảng để chân và để đầu ở vị trí này trên Velar rộng rãi hơn đáng kể. Với vóc dáng trung bình của người Việt, hai hành khách ngồi sau sẽ cảm thấy thoải mái, tuy có phần hơi tối và bí vì trần xe vuốt thấp và cửa sổ sau khá nhỏ.
Phiên bản Velar R-Dynamic SE 2.0P mà tôi trải nghiệm có gói tùy chọn nâng cấp lên đến hơn 530 triệu đồng. Do vậy, khó có thể phàn nàn gì về mặt tiện nghi của xe, với những option đắt tiền như cửa sổ trời toàn cảnh (106 triệu đồng), góc bọc da mở rộng cho vô-lăng và nội thất (97 triệu) hay camera 360 (49 triệu đồng). Bản thân gói trang bị tiêu chuẩn theo xe cũng đã khá đầy đủ tiện nghi, vì vậy khách hàng có thể tính toán để chọn cho mình chiếc Velar với mức giá tối ưu nhất.
Range Rover Velar R-Dynamic SE 2.0P được trang bị động cơ xăng Ingenium 2.0L, công suất 246 mã lực, mô-men xoắn 365 Nm, đi kèm hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian. Mức hiệu năng này đủ cho việc vận hành trong phố, trên các cung đường bằng phẳng hay chạy trên các địa hình xấu. Dù vậy, tôi không nghĩ chủ nhân của chiếc xe có giá bán hơn 5 tỷ đồng lại lựa chọn mang Velar đi chinh phục các cung đường off-road.
Velar hoàn thành trọn vẹn vai trò của một mẫu xe sang chảnh dạo phố. Với chế độ lái Comfort, xe cho cảm giác lái nhẹ nhàng và êm ái không thua kém những chiếc sedan. Độ nặng vô-lăng được căn chỉnh hợp lý cho các thao tác đánh lái liên tục khi đi phố mà vẫn đảm bảo đủ chuẩn xác và thật tay.
Phản hồi chân ga thiên về hướng điềm tĩnh, với các bước số được thiết lập ngắn, sang số ngay từ vòng tua thấp. Bên cạnh đó, những cải tiến ở một vài chi tiết ngoại thất cũng góp phần giúp Velar có được khả năng cách âm tốt khi chạy phố.
Người bạn nữ đồng hành với tôi suốt thời gian trải nghiệm Velar cũng cảm thấy hài lòng với những gì chiếc xe thể hiện trong đô thị. Các tiện nghi hỗ trợ như camera 360 độ hay cảm biến trước/sau giúp việc xoay xở giữa phố xá dễ dàng và thuận tiện hơn.
Velar cho người lái cảm giác tự tin và làm chủ được chiếc xe, điều mà phần đông khách hàng nữ giới như cô bạn của tôi chú trọng nhất. Điểm không hài lòng hiếm hoi chỉ là phần góc chữ A hơi dày của xe.
Đưa Velar lên cao tốc và chuyển sang chế độ lái Dynamic, tôi thực sự bất ngờ bởi sự khác biệt lớn đến từ phản hồi chân ga và thiết lập hệ thống treo khí nén của xe.
Chiếc Velar lúc này nhạy bén và vọt hơn đáng kể. Thời gian tăng tốc 0-100 km/h trong 6,7 giây mà Land Rover công bố quả thực không chỉ mang tính chất “làm màu”. Mỗi cú vào ga vượt xe trên cao tốc đều nhanh gọn và cho người ngồi cảm giác dính lưng ghế.
Vô-lăng xe lúc này nặng hơn, nhạy và chính xác theo từng thao tác nhích lái của tài xế. Điểm tôi ưng ý nhất là hệ thống treo của xe. Ở chế độ Dynamic, hệ thống treo cứng và truyền tải đủ cảm nhận mặt đường. Với mỗi cú chuyển làn nhanh hoặc đánh lái gấp, thân xe vững chãi, ít lắc ngang nhưng vẫn giữ lại độ “văng” nhẹ, có chủ ý và hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Điều này tạo cho người lái cảm giác thực sự phấn khích.
Dù vậy, chế độ hỗ trợ giữ làn của Velar lại hoạt động chưa tốt. Khi chạy trên đường cao tốc, vô-lăng của xe liên tục nhích nhẹ để chỉnh lái, dù xe vẫn đang nằm ngay ngắn trong làn. Điều này khiến xe thường xuyên rơi vào trạng thái “quẫy đuôi cá” như đang được một người mới lái điều khiển. Bên cạnh đó, độ thật tay khi cầm lái cũng giảm đi phần nào. Khi tôi tắt tính năng này đi, mọi việc ngay lập tức được cải thiện.
Ngoài ra, Velar cũng được trang bị các chế độ lái chuyên biệt cho từng địa hình di chuyển như cát, bùn lầy, cỏ, tuyết hay sỏi. Cùng với hệ thống treo khí nén với tính năng nâng hạ gầm, Velar không ngán những địa hình xấu. Tuy vậy, có lẽ sẽ không nhiều khách Việt sắm cho mình một chiếc xe giá hơn 5 tỷ đồng về để “quăng quật” trên các cung đường off-road.
Với cá nhân tôi, khi bỏ ra số tiền xấp xỉ 5,4 tỷ đồng để mua ôtô, tôi cần nhiều giá trị hơn một phương tiện di chuyển tốt. Khi ấy, chiếc xe còn đóng vai trò như món đồ trang sức, tuyên ngôn cho cá tính, sự sang chảnh và gu chơi xe của chủ nhân. Range Rover Velar đã làm tốt điều này.
Xét trên phương diện công năng thuần túy của một chiếc ôtô, Velar đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về trải nghiệm vận hành thú vị, thoải mái, giàu tiện nghi và truyền cho người lái sự tự tin.
Trong khi đó, về mặt hình ảnh, những người sở hữu Range Rover Velar hẳn sẽ cảm thấy hãnh diện khi có bên mình một trong những chiếc SUV đẹp nhất mà Land Rover từng sản xuất.
Velar không chỉ đẹp với fan trung thành của dòng xe Range Rover, mà còn thực sự hút hồn những người ngoại đạo. Có lẽ vì vậy mà Jeremy Hicks - giám đốc điều hành JLR Anh quốc - từng chia sẻ rằng 2/3 số đơn đặt hàng những lô xe Velar đầu tiên đến từ các khách hàng mới của Land Rover.